Chợ chuối Tây Bắc đóng băng

cho-chuoi-tay-bac-nhatnong

Chợ chuối Tây Bắc lớn nhất đã đóng băng

Cửa khẩu phía Trung Quốc dọc biên giới phía Bắc ở Lào Cai, Lai Châu dừng nhập khẩu mặt hàng chuối khiến cả nghìn tấn chuối của nông dân Tây Bắc nguy cơ đổ bỏ.

Tại Lai Châu, chợ chuối Tây Bắc lớn nhất tập trung ngay trong khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Chuối từ các nơi đổ về đây để xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới hàng nghìn tấn mỗi ngày. Thế nhưng, thời điểm này, khu vực chợ cũng như cửa khẩu Ma Lù Thàng gần như đóng băng, đặc biệt, mặt hàng chuối không còn hiện diện ở khu chợ.

Trong khi đó, trồng chuối từng giúp người dân có thêm thu nhập, xoá đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu, đặc biệt huyện Phong Thổ (Lai Châu) có hàng nghìn ha chuối.

cho-chuoi-tay-bac-nhatnong

Chợ chuối trong khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) trước đông đúc, nay đã đóng băng hoàn toàn. Ảnh: N.T

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng nghìn tấn chuối đến kỳ thu hoạch không thể tiêu thụ được khiến người dân thiệt hại ước hàng chục tỷ đồng.

Ông Vũ Huy Hoà, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) xác nhận, sản phẩm chuối dừng xuất qua cửa khẩu Ma Lù Thàng từ tháng 7/2021 đến nay. Và chưa có thông tin về thời gian mặt hàng nông sản này sẽ được xuất trở lại sang thị trường nước bạn.

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, hàng nghìn tấn chuối hiện chưa có đầu ra. Sản phẩm chuối của Lai Châu chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này dừng nhập khẩu, Lai Châu cũng đã họp bàn để tìm giải pháp gỡ khó cho người dân.

Tuy nhiên, việc vận chuyển mặt hàng chuối sang các tỉnh khác để tiêu thụ gặp khó vì chi phí vận tải cao, một số thị trường lớn đang thực hiện giãn cách xã hội…

Chợ chuối Tây Bắc và phía Trung Quốc áp điều kiện ngặt nghèo hơn?

Mường Khương là thủ phủ chuối của tỉnh Lào Cai. Thời điểm này, đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, thế nhưng thay vì hình ảnh người dân hối hả chặt chuối mang đi bán thì nay trên nương không một bóng người. Chuối không bán được, người dân cũng bỏ mặc.

Một số hộ dân ở xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) như ngồi trên đống lửa vì giờ này chuối chưa có người đến thu mua. Trong khi đó, trên nương, chuối đã lúc phải thu hoạch, không thể để lâu hơn.

cho-chuoi-tay-bac-nhatnong2
Người dân thu hoạch chuối bán cho tiểu thương ở Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: T.L.

Ông Phàn Văn Minh (xã Bản Lầu) ngán ngẩm bảo: “Lâu rồi không lên nương chuối nữa vì có bán được đâu. Xung quanh nhà mình còn mấy hộ cũng trong tình trạng như thế, có bán được cũng rẻ lắm, không có người thu mua “. 

Theo ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Châu Thịnh Phong chuyên bao tiêu chuối cho bà con Bản Lầu, phía đối tác nhập khẩu chuối ở Trung Quốc cho biết việc chuối thời gian qua không xuất khẩu được bởi năm nay, đối tác yêu cầu hoàn thiện nguồn gốc xuất xứ, mã vùng trồng, không được xuất khẩu bằng container lạnh, phải được kiểm tra Covid-19… Do đó, hợp tác xã cũng đang kết nối phía đối tác bên Trung Quốc để biết những yêu cầu cụ thể nhằm tháo gỡ.

Thời điểm mặt hàng chuối còn xuất khẩu được sang Trung Quốc, hợp tác xã này mỗi ngày xuất đi 15 – 17 container chuối, đảm bảo phần lớn đầu ra cho bà con ở Mường Khương… Thế nhưng, ngay cả hợp tác xã hiện nay cũng bế tắc vì không có đầu ra.

Còn ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, một số diện tích chuối quá hạn thu hoạch đã bị chín, rụng, nhưng không có cách nào bảo quản. “Giá chuối hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg nhưng không có người thu mua”, ông Hoa nhấn mạnh.

Vùng chuối của huyện Mường Khương phát triển được như hiện nay là nhờ việc xuất khẩu qua lối tiểu ngạch, qua bờ suối sang bên kia biên giới nên giảm được rất nhiều chi phí như vận chuyển ra cửa khẩu, thông quan, kiểm dịch… Khi đó, giá chuối còn đảm bảo hiệu quả cho người dân trồng. Hiện nay, chuối chỉ xuất khẩu chính ngạch khiến chi phí đội lên, khiến người nông dân gặp khó.

Nguồn: Theo Hải Đăng (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Ngoài ra, quý bà con và bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều bản tin tức nông nghiệp hay TẠI ĐÂY, hoặc CLIK vào đây để tìm hiểu thêm nhiều bài cẩm nang nông nghiệp hữu ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *