Vựa Rau Lâm Đồng sẵn sàng tái sản xuất

Vựa rau Lâm Đồng sẵn sàng tái sản xuất sau khi trải qua thiệt hại do dịch bệnh Covid 19

Thiệt hại nặng nề sau dịch bệnh Covid-19, nông dân và ngành nông nghiệp tại vựa rau huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang khẩn trương đẩy mạnh tái sản xuất.

Vựa rau Lâm Đồng và gượng dậy tái đầu tư

Thời gian qua, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19. Nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn. 

vua-ra-lam-dong-nhatnong1
Nông dân huyện Đơn Dương tái đầu tư sản xuất rau sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện tại, huyện Đơn Dương đã hết giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái bình thường. Ngành nông nghiệp địa phương đang khẩn trương tổ chức khuyến cáo người dân tập trung tái đầu tư sản xuất sau dịch bệnh.

Vừa cải tạo 2.000m2 vườn, bà Nguyễn Thị Sự, ngụ xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) cho hay, gia đình bà chuyên trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày và thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP.HCM. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa nên rau của gia đình làm ra không có nơi tiêu thụ, phải nhổ bỏ.

“Thiệt hại hàng chục triệu đồng. Xót lắm, nhưng không vì thế mà bỏ ruộng được. Hiện tôi tiếp tục sản xuất rau xà lách và đến tháng 11 sẽ xuống giống khoai tây để phục vụ thị trường dịp cuối năm”, bà Nguyễn Thị Sự thổ lộ.

vua-rau-lam-dong-nhatnong2
Diện tích gieo trồng rau thương phẩm trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện ở vào khoảng 21.000 ha, đạt 78% kế hoạch năm. Ảnh: Minh Hậu.

Cách khu vườn của gia đình bà Sự không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huyền (32 tuổi) cũng đang cải tạo đất để xuống giống các loại rau ăn lá. Gia đình chị Huyền có tổng diện tích vườn trên 6.000m2. Hồi tháng 5, chị trồng rau xà lách và hoa hướng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Vì vậy, chị đã chủ động liên hệ với các đơn vị, tổ chức để quyên góp rau từ thiện. Đối với phần hoa và rau không làm từ thiện được, chị đành phá bỏ.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, thiệt hại trong đợt rau, hoa vừa qua của gia đình lên tới khoảng 50 triệu đồng. Để duy trì sản xuất, chị đã thuê người cải tạo đất và chuyển toàn bộ diện tích sang trồng rau, khoai tây… “Phải tập trung sản xuất và chờ vào thị trường cuối năm. Hi vọng trong vài tháng tới nước ta sẽ khống chế được dịch bệnh để cuộc sống ổn định”, chị Huyền thổ lộ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, tiêu thụ nhiều loại nông sản bị đình trệ khi thị trường lớn nhất của địa phương là TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16. Dù vậy, địa phương đã đẩy mạnh công tác vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất. Người dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp sản xuất thích ứng với đại dịch.

Kết quả cho thấy, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, địa phương đạt sản lượng trên 3.100 tấn, diện tích lúa hè thu gieo sạ được 1.700ha, đạt 91% kế hoạch năm. Một phần diện tích bà con chuyển sang trồng củ năng và rau thương phẩm.

Riêng diện tích gieo trồng rau thương phẩm trên địa bàn toàn huyện Đơn Dương đạt trên 21.000ha, đạt 78% kế hoạch năm, sản lượng khoảng trên 700 tấn.

Vựa rau Lâm Đồng và sẵn sàng kịch bản sản xuất

Bà Tou Prong Nai Khoan, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, để duy trì mạch sản xuất, địa phương có biện pháp bố trí lao động cụ thể đối với từng gia đình nên việc kinh doanh, sản xuất cơ bản vẫn được duy trì ổn định.

vua-rau-lam-dong-nhatnong3
Vựa rau huyện Đơn Dương đã sẵn sàng các phương án chuyển dần các loại rau ăn lá khó bảo quản sang sản xuất các loại rau củ có thời gian bảo quản dài ngày nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp kéo dài. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương đã lên kịch bản cho sản xuất. Trong trường hợp dịch Covid-19 lần thứ 4 được khống chế vào cuối quý III/2021, ngành tiến hành sản xuất theo kế hoạch.

Theo đó, diện tích rau đến cuối năm dự kiến trên 9.000ha gồm bắp cải, xà lách, cà chua, khoai tây, bí các loại…, với sản lượng dự kiến đạt trên 332.000 tấn.

Địa phương cũng sẽ trồng khoảng 360ha khoai lang với sản lượng ước đạt trên 8.900 tấn. Đồng thời chuẩn bị các phương án để sản xuất 50ha hoa, chủ yếu các loại hoa cắt cành như ly ly, lay ơn, cát tường, cúc, cẩm chướng…

Cùng với việc duy trì trồng trọt, hiện tại, huyện đang thực hiện các biện pháp thúc đẩy chăn nuôi. Đặc biệt là phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi chú trọng vào phát triển đàn bò sữa chất lượng, đảm bảo nguồn sữa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Việc chăn nuôi bò sữa sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường trên 52.000 tấn sữa tươi”, bà Tou Prong Nai Khoan nói và cho biết thêm, việc chăn nuôi nói chung ở địa phương cũng sẽ đảm bảo 4.800 tấn thịt hơi các loại trong dịp cuối năm.

Vào dịp cuối năm, địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ bước vào mùa khô. Do vậy, cùng với việc tổ chức sản xuất thích ứng tình hình dịch Covid-19, ngành nông nghiệp cũng chú trọng công tác đảm bảo tưới tiêu cho cây trồng.

vua-rau-lam-dong-nhatnong4
Huyện Đơn Dương đã chuẩn bị các phương án để sản xuất 50ha hoa, chủ yếu các loại hoa cắt cành như ly ly, lay ơn, cát tường, cúc, cẩm chướng… phục vụ thị trường cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Đơn Dương hiện đã cùng người dân sửa chữa các công trình thủy lợi, mương máng để đảm bảo lưu thông, đưa nước đến đồng ruộng. Các đơn vị liên quan sẵn sàng điều tiết nước từ các công trình thủy lợi về đồng ruộng để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Bà Tou Prong Nai Khoan cho biết thêm, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức sản xuất theo kịch bản chuyển dần các loại rau ăn lá có thời gian bảo quản ngắn như xà lách, cải các loại… sang sản xuất các loại rau củ có thời gian bảo quản lâu, thuận lợi cho việc vận chuyển. Các loại rau, củ được ưu tiên sản xuất sẽ là khoai tây, khoai lang, cà rốt, các loại bí, bắp cải, cà chua, đậu leo, ớt…

“Trường hợp dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, huyện sẽ chủ trương giảm diện tích trồng mới các loại hoa để chuyển sang trồng các loại rau thương phẩm. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa nông sản cho nhân dân trong huyện cũng như các thị trường trong nước”, bà Tou Prong Nai Khoan cho biết.

Nguồn: Theo Minh Hậu

Quý bà con có thể tham khảo thêm nhiều bài tin tức nông nghiệp hữu ích khác TẠI ĐÂY.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *