Tháo gỡ, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để một số sản phẩm rau quả xuất khẩu chính ngạch, đồng thời đàm phán, mở cửa thêm cho 7 loại trái cây mới. Đây là những mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật phải quyết tâm thực hiện từ nay đến năm 2020 và những năm tới.
Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Cùng với việc siết chặt các quy định về nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thời gian qua, một số sản phẩm chưa được phía Trung Quốc cấp phép đã không còn xuất khẩu được tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc như thạch đen, khoai lang, bưởi, dừa, chanh leo… Đây là những sản phẩm nông sản thế mạnh, có truyền thống của nhiều địa phương như Lạng Sơn, Cao Bằng (thạch đen), Vĩnh Long (khoai lang)…
Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm xuất khẩu chính ngạch đối với 2 sản phẩm là thạch đen và khoai lang (mục tiêu trong năm 2019), đồng thời tiếp tục đàm phán để mở cửa thêm đối với 7 loại trái cây mới để xuất khẩu chính ngạch (mục tiêu trong năm 2020 và các năm tiếp theo).
Ông Trung cho biết, đối với cây thạch đen, hiện hồ sơ kỹ thuật đã được gửi cho Vụ Kiểm dịch Động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo đó đến thời điểm này, phía Trung Quốc cho biết đã cơ bản hoàn tất việc báo cáo đánh giá xong nguy cơ dịch hại (PRA).
Dự kiến từ ngày 15 – 22/9/2019, phía Trung Quốc sẽ cử chuyên gia sang kiểm tra toàn bộ khu vực sản xuất, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến đóng gói… Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn để triển khai toàn bộ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của phía Trung Quốc để sẵn sàng đón chuyên gia của Trung Quốc sang làm việc trong thời gian tới.
Với khoai lang tím, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã làm việc với Cục An toàn thực phẩm của Trung Quốc. Phía Trung Quốc đang trong quá trình đánh giá nguy cơ dịch hại, còn Cục Bảo vệ thực vật bổ sung thông tin liên quan tới thành phần dịch hại, quy trình kiểm tra kiểm soát đồng ruộng, quy trình thu hoạch, cơ sở đóng gói chế biến…
Phía Trung Quốc đề nghị khi nào khoai lang vào củ, chuyên gia sẽ sang kiểm tra chặt chẽ toàn bộ từ quy trình sản xuất, kể cả hệ thống kiểm nghiệm, hệ thống kiểm dịch của Việt Nam… Cục Bảo vệ thực vật cũng đã làm việc với tỉnh Vĩnh Long, nơi có vùng khoai lang rất lớn để phục vụ xuất khẩu lên kế hoạch đón chuyên gia Trung Quốc sang làm việc.
“Hi vọng trong năm 2019, sẽ hoàn thành việc mở cửa cho 2 sản phẩm thạch đen và khoai lang tím được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, theo ông Hoàng Trung.
Hiện nay, ngoài 9 loại trái cây đã được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu (gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt), Cục Bảo vệ thực vật cũng đã gửi hồ sơ đối với 7 loại trái cây khác đề nghị phía Trung Quốc xem xét cho phép nhập khẩu chính ngạch (sầu riêng, na, bưởi, chanh leo, dừa…). Cục Bảo vệ thực vật đang rất tích cực bám sát và hối thúc phía Trung Quốc xem xét mở cửa cho 7 loại trái cây mới. Tuy nhiên, việc triển khai mở cửa sẽ phải tuần tự theo từng loại, không thể một lúc có thể mở cửa được cho cả 7 loại.
“Bản thân chúng ta mở cửa được một số loại trái cây sang các nước như xoài sang Úc phải mất gần 10 năm, hay măng cụt xuất khẩu sang Trung Quốc phải mất 7 năm… Vì thế trước hết, chúng tôi đặt mục tiêu cho quả sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc sớm nhất, bởi đây là sản phẩm rất có lợi thế của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc không sản xuất được”, ông Hoàng Trung cho biết.
Bên cạnh việc mở cửa cho các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch thực vật của phía Trung Quốc để đảm bảo hàng hóa thông quan phải đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm theo yêu cầu, không để bất kỳ sơ suất nào xảy ra. Bởi hiện nay, phía Trung Quốc đã áp dụng việc kiểm soát rất chặt, các lô hàng bị nhiễm các đối tượng kiểm dịch của họ thì sẽ lập tức bị từ chối thông quan và ngay lập tức sẽ gây ra hậu quả là ùn ứ hàng hóa trong nước.
Đối với các loại trái cây được phép xuất khẩu, yêu cầu đầu tiên vẫn là các doanh nghiệp, địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của phía Trung Quốc, nhất là duy trì mã số vùng trồng và quy định về sản xuất đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch hại để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và yêu cầu kiểm dịch. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai việc rà soát để cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đối với 9 loại quả đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện Cục Bảo vệ thực vật vẫn định kỳ hàng tháng gửi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để Tổng cục Hải quan Trung Quốc cập nhật vào hệ thống quản lí. Mặt khác, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị các doanh nghiệp, Bộ Công thương cần tiếp tục hỗ trợ để mở rộng thêm thị phần tại thị trường Trung Quốc. Bởi để đàm phán mở cửa được một loại trái cây xuất khẩu chính ngạch là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, khác với một số mặt hàng như gạo, thủy sản…, phía Trung Quốc phải kiểm tra và cấp phép đối với từng doanh nghiệp, thì trái cây lại có nhiều lợi thế đó là chỉ cần đàm phán mở cửa một lần cho phạm vi cả quốc gia, chứ không phải đánh giá cấp phép từng doanh nghiệp nên không bị hạn chế về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặt khác, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị các doanh nghiệp, Bộ Công thương cần tiếp tục hỗ trợ để mở rộng thêm thị phần tại thị trường Trung Quốc. Bởi để đàm phán mở cửa được một loại trái cây xuất khẩu chính ngạch là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, khác với một số mặt hàng như gạo, thủy sản…, phía Trung Quốc phải kiểm tra và cấp phép đối với từng doanh nghiệp, thì trái cây lại có nhiều lợi thế đó là chỉ cần đàm phán mở cửa một lần cho phạm vi cả quốc gia, chứ không phải đánh giá cấp phép từng doanh nghiệp nên không bị hạn chế về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu.
Xuất siêu nông sản có chiều hướng giảm
Về tổng thể, thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc những năm qua vẫn nghiêng về Việt Nam phải nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc.
Ví dụ năm 2018, chúng ta đang nhập siêu 24 tỉ USD (nhập khẩu 61 tỉ USD và xuất khẩu chỉ 45 tỉ USD). Trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu, chỉ có duy nhất nhóm nông lâm thủy sản của Việt Nam là xuất siêu được, tuy nhiên tốc độ xuất siêu lại đang giảm khá nhanh trong những năm gần đây, từ 7 tỉ USD xuất siêu 2017, đến 2018 đã giảm xuống chỉ còn 6,1 tỉ USD.
Về các yêu cầu về kỹ thuật, đây là xu hướng tất yếu của thương mại nông sản quốc tế, chứ không chỉ riêng Trung Quốc, và trước sau gì chúng ta vẫn sẽ phải thực hiện.
Hiện chúng ta mới chỉ có 9 sản phẩm trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, 7 sản phẩm trái cây rất quan trọng thì vẫn chưa mở cửa được. Đây đều là các mặt hàng có lợi thế, tiềm năng và không xung đột với các mặt hàng cùng chủng loại ở thị trường Trung Quốc, ví dụ như sầu riêng, chanh leo, dừa, bưởi…
Trung Quốc là thị trường có tính chính sách đặc thù địa phương rất mạnh, đây là điều trong chính sách mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cần hết sức chú ý. Ví dụ Sơn La hay Bắc Giang những năm gần đây đều có các sự kiện hội nghị, chương trình quảng bá, kết nối giao thương cho các sản phẩm cây ăn quả với các tỉnh biên giới Trung Quốc, đây là cách làm rất tốt và có hiệu quả… Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh
Thách thức đối với thanh long và xoài
Trung Quốc sẽ ngày càng đẩy mạnh việc sản xuất một số mặt hàng trái cây nhằm từng bước tự chủ cho nhu cầu trong nước.
Ví dụ, có thông tin Trung Quốc đang đẩy nhanh diện tích thanh long tại một số vùng như Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam.
Hiện nước này đã trồng được khoảng 35 nghìn ha thanh long, và đang tiếp tục tăng mạnh về diện tích, nâng tổng diện tích thanh long lên đến khoảng 68 nghìn ha. Đây thực sự là một thách thức đối với Việt Nam về lâu dài, bởi thanh long đang là mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.
Trung Quốc cũng sẽ có xu hướng đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu các loại sản phẩm trái cây, hoặc chuyển sang cơ chế cấp hạn ngạch. Ví dụ có thông tin từ năm 2020, Campuchia sẽ xuất khẩu hàng năm sang thị trường Trung Quốc khoảng 500 nghìn tấn xoài, trong khi hiện Việt Nam hàng năm xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 350 nghìn tấn. Đây sẽ là bài toán cho Việt Nam cần phải từng bước sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu một số mặt hàng từ Việt Nam. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Nguồn : Tin Tức Nông Nghiệp