Làm ‘sống lại’ đất trồng cà phê nhờ sản xuất hướng hữu cơ

Thay vì mỗi năm chi hàng trăm triệu đồng mua phân bón vô cơ, nhiều nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng đã áp dụng ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm.

“Sống khỏe” với cà phê nhờ tự ủ phân hữu cơ

Ở xã Tân Văn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình ông Bạch Văn Pha được biết đến là người nhiều ruộng vườn, làm kinh tế giỏi. Ông Pha năm nay đã 69 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đều đặn chăm sóc cho 5,7ha vườn cà phê và ao cá của gia đình. Suốt những năm qua, dù giá cà phê xuống thấp nhưng với cách làm nhằm giảm chi phí đầu vào, đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập tốt, đạt lãi cao.

Để giảm chi phí đầu vào, gia đình ông Bạch Văn Pha tự ủ phân hữu cơ để bón cho cà phê. Ảnh: Minh Hậu.
Để giảm chi phí đầu vào, gia đình ông Bạch Văn Pha tự ủ phân hữu cơ để bón cho cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Vừa bước đi giữa những gốc cà phê xanh ngát, người nông dân 69 tuổi thổ lộ, bí quyết chăm sóc cây của gia đình rất đơn giản, đó là tự ủ phân để bón thay vì mỗi năm phải bỏ hàng chục đến cả trăm triệu đồng cho các loại phân hóa học.

Ông chia sẻ: “Trước đây, gia đình vẫn dùng các loại phân bón hóa học để trồng cà phê. Thời gian đầu cây sinh trưởng mạnh nhưng về sau đất vườn dần khô cứng, cây cối vì thế cũng suy giảm, năng suất kém. Mãi đến năm 2019, khi được một chuyên gia nông nghiệp phân tích và hướng dẫn cách tự ủ phân bón hữu cơ để bón thì việc chăm sóc cà phê mới thực sự đạt kết quả cao.

Từ vườn cà phê vào, ông Pha đến ngay khu nhà xưởng rộng gần 100m2 cạnh ao cá rồi vén tấm bạt lên để lộ phần mùn màu đen mà nói: “Đây! Bí quyết của tôi đây! Đây là thứ phân bón mà tôi dày công thực hiện suốt thời gian qua. Giờ thì đạt tiêu chuẩn, có thể đưa ra bón cho cây ngay được”.

Theo ông Pha, phân bón mà ông ủ và sử dụng cho vườn cây được pha trộn từ nhiều nguyên liệu. Trong đó bao gồm các thành phần chính như vỏ cà phê, sản phẩm phụ nông nghiệp, chế phẩm sinh học Trichoderma, đường mía…

Các loại này được ông pha trộn theo tỉ lệ nhất định rồi phủ kín bạt để ủ. Sau 20 ngày, ông tiến hành đảo đều và tưới nước để tăng thêm độ ẩm, sau đó tiếp tục bịt kín bạt để ủ. Sau khoảng 1 tháng, ông tiếp tục bổ sung nước và tiếp tục ủ. “Nhiệt độ ở phần lõi của hỗn hợp phân bón có lúc lên đến 80 độ C, không thể dùng tay để đảo được. Ủ như thế suốt 1 năm thì cho ra sản phẩm phân hữu cơ và có thể đưa ra bón cho cây”, ông Pha thổ lộ.

Ông Bạch Văn Pha sử dụng vỏ cà phê cùng các phế phụ phẩm và chế phẩm để ủ phân bón. Ảnh: Minh Hậu.
Ông Bạch Văn Pha sử dụng vỏ cà phê cùng các phế phụ phẩm và chế phẩm để ủ phân bón. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Pha, ở vùng Lâm Hà, nhiều gia đình vẫn tập trung sản xuất cà phê theo hình thức sử dụng nhiều loại phân bón hóa học. Đa phần, người dân dùng 3 loại như phân kali, phân lân, SA để trộn lẫn với nhau bón cho cây.

Việc lạm dụng các loại phân bón hóa học về lâu dài sẽ dẫn đến nền đất bị suy thoái, môi trường đất, nước bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, chi phí đầu tư cho các loại phân bón này cao hơn nhiều lần đối với việc áp dụng phân chuồng, phân hoai mục ủ từ phế phẩm nông nghiệp.

Nông dân 69 tuổi cho hay, nhờ áp dụng mô hình chăm sóc với phân bón hữu cơ tự ủ nên cây trong vườn phát triển mạnh, năng suất cà phê của gia đình đạt 7-8 tấn nhân/ha. Đây là năng suất thuộc hàng “kỷ lục” ở địa phương.

Ông Pha cho biết: Mấy năm gần đây, giá cà phê liên tục giảm, ở mức chỉ trên dưới 30.000 đồng/kg nhân. Do vậy, nhiều gia đình bán sản phẩm không đủ cho chi phí chăm bón nên rơi vào cảnh khó khăn. Gia đình ông nhờ áp dụng hình thức giảm chi phí đầu vào, dùng phân tự ủ để chăm bón nên vẫn có nguồn lãi hàng trăm triệu đồng.

Gia đình ông xác định cà phê vẫn là cây chủ lực của gia đình và vườn đạt hiệu quả cao nên ông không trồng xen như những gia đình khác. Mỗi năm, gia đình ông thu về hàng chục tấn nhân. Ông chia sẻ: Năm 2020, với 5,7ha cà phê (bao gồm diện tích mới tái canh, già cỗi) gia đình thu về 27 tấn nhân. Sau khi trừ chi phí các loại, còn dư được khoảng 400 triệu đồng.

Giun dế sinh sôi

Tại Thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình ông Trần Văn Xuất (53 tuổi) cũng đang canh tác ổn định với diện tích trên 2,5 ha cà phê xen bơ VietGAP hướng hữu cơ. Ông Xuất trồng cà phê từ năm 1998 và cũng từng phát triển theo hình thức áp dụng phân bón hóa học để nâng cao sản lượng.

Về sau, nhận thấy việc áp dụng quy trình sản xuất này khiến môi trường đất, nước và chất lượng sản phẩm dần bị ảnh hưởng nên ông quyết định tập trung sản xuất sạch, hướng hữu cơ. Ngoài ra, xu hướng hiện nay là xã hội đang hướng đến dùng sản phẩm sạch và có ý thức bảo vệ môi trường nên gia đình ông quyết định thay đổi.

Gia đình ông Trần Văn Xuất duy trì cỏ ở nền vườn để tạo hệ sinh thái cho đất. Ảnh: Minh Hậu.
Gia đình ông Trần Văn Xuất duy trì cỏ ở nền vườn để tạo hệ sinh thái cho đất. Ảnh: Minh Hậu.

Trên diện tích 2,5 ha vườn, những gốc cà phê, bơ, sầu riêng… vẫn xen nhau và xanh tốt, cho trái nhiều. Ở nền vườn, lớp cỏ bụi được duy trì tạo nên lớp thảm thực vật xanh mát, giúp vườn luôn có độ ẩm, đảm bảo được hệ vi sinh.

Vừa đưa tay xới nhẹ lớp đất cạnh gốc cà phê, ông Xuất vừa thổ lộ: “Ngày trước dùng phân hóa học nhiều nên đất cứng, rất khó đào được như thế này. Bây giờ dùng phân chuồng nhiều, phân hữu cơ nhiều nên đất tơi xốp hẳn. Giun, dế, kiến… cũng vì thế mà phát triển nhiều, góp phần làm nền vườn thêm tơi xốp”.

Theo ông Xuất, gia đình ông sản xuất theo hướng sử dụng 2 phần phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, còn lại 1 phần là phân bón hòa tan để bón qua hệ thống tưới tiết kiệm. Phần phân bón hòa tan là yếu tố hóa học nhưng vì sử dụng ít và chỉ sử dụng theo từng giai đoạn cho đối tượng cây trồng riêng biệt nên không bị ảnh hưởng như trước đây.

Đối với việc duy trì cỏ nền vườn, ông Xuất kể: Ngày xưa, ông cứ nghĩ để cỏ nhiều thì chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây nhưng thực ra không đến mức đó. Cỏ bụi có thể hút chất dinh dưỡng ở bồn cà phê nhưng bù lại chúng cũng góp phần duy trì nền nhiệt độ, độ ẩm đất.

Đặc biệt, lá và thân cỏ chết, cũng trở thành lớp thảm phân hoai mục giúp đất tốt hơn. Do vậy, ông không diệt cỏ mà chỉ cắt ngang thân. Phần thân bị cắt bỏ cũng rơi xuống nền vườn và tôi cứ để vậy làm phân bón tự nhiên.

Áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên nền vườn tơi xốp, giun, dế và nhiều loại côn trùng sinh sôi mạnh. Ảnh: Minh Hậu.
Áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên nền vườn tơi xốp, giun, dế và nhiều loại côn trùng sinh sôi mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân 53 tuổi cho hay, việc áp dụng quy trình sản xuất sạch, hướng hữu cơ nên các loại sản phẩm ông làm ra đều được đánh giá cao hơn so với giá chung thị trường. Đối với cà phê, trong mùa vụ vừa qua, gia đình ông bán cho một công ty chuyên chế biến với giá 40 nghìn đồng/kg nhân.

Đây là mức giá cao hơn mặt bằng chung gần 8.000 đồng/kg. Tương tự, các loại bơ (bơ 034, bơ Pin, bơ H) trong vườn của gia đình ông cũng được giá hơn và có doanh nghiệp Thái Lan về tận vườn kiểm định để hướng đến ký hợp đồng bao tiêu trong thời gian tới.

“Thành công lớn nhất đến thời điểm này là đã tạo được vườn cây sạch, tạo ra được sản phẩm sạch. Vui hơn nữa là các sản phẩm làm ra cũng có giá cao hơn”, ông Trần Văn Xuất hồ hởi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *