Phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây cà phê

1. Rệp sáp (Pseudococcus spp.)

Đặc điểm hình thái:

Rệp sáp trưởng thành có hình bầu dục, trên mình có nhiều sợi sáp dài, màu trắng xốp. Con đực trưởng thành có cơ thể thon dài, có cánh nhưng không có sáp, mắt to màu đen, râu và chân có nhiều lông ngắn.

Đặc điểm sinh sống và gây hại:

Cây cà phê thường bị hai loại rệp sáp gây hại, gồm rệp hại chùm quả và lá và rệp hại rễ.

Rệp sáp hại lá và chùm quả: Rệp đẻ trứng vào mùa mưa tại các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở sẽ tìm nơi cố định để sinh sống. Trong mùa mưa, rệp sinh sản nhiều gây rụng quả. Rệp hút chất dinh dưỡng làm quả vàng, rụng, làm giảm năng suất và chất lượng.

Rệp sáp hại rễ: Rệp sinh sống xung quanh rễ, tạo lớp bọc không thấm nước quanh trục rễ. Cây bị hại có hiện tượng lá vàng, héo, và chết.

Rệp sáp gây hại cà phê

Biện pháp phòng trừ rệp sáp gây hại trên cây cà phê:

Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt trong mùa khô; tưới nước, bón phân đầy đủ để hạn chế rệp phát triển.

Sử dụng luân phiên các loại thuốc như: Cypermethrin (SecSaigon 50EC), Chlorpyrifos Ethyl (Acetox 40EC, Anboom 40EC), Spirotetramat (Movento 150OD), Cypermethrin + Profenofos (Polytrin P 440EC).

Đối với rệp sáp hại rễ: kiểm tra cổ rễ thường xuyên, nếu mật độ rệp cao (trên 100 con/gốc ở độ sâu 0-20cm), tiến hành bới đất xung quanh cổ rễ và xử lý thuốc kết hợp dầu khoáng. Đọc thêm!

2. Rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh

Đặc điểm hình thái:

Rệp muội: Có hai loại rệp muội đen và xanh. Trưởng thành có cánh hoặc không cánh, sinh sản bằng cách đẻ con. Rệp non và trưởng thành giống nhau, trưởng thành có bụng phình to, cuối thân có hai ống tiết dịch.

Rệp vảy nâu: Trưởng thành con cái không có cánh, có vỏ nâu hình bán cầu, dài 2-3mm. Trưởng thành con đực có cánh, dài 1,2mm, màu xanh vàng nhạt.

Rệp vảy xanh: Trưởng thành con cái không có cánh, mình dẹt, vỏ mềm màu xanh, rệp non có màu vàng xanh.

Đặc điểm sinh sống và gây hại:

Rệp muội: Hại các loại cây như cà phê, chè, cam, quýt… Chúng bám vào ngọn lá non, hút dịch, làm lá cong queo, phát triển không bình thường.

Rệp vảy nâu: Trứng được đẻ dưới vỏ con cái, rệp bám vào cành lá, hút dịch làm cây kém phát triển, gây hại nhiều vào mùa khô.

Rệp vảy xanh: Gây hại bằng cách hút dịch từ lá và cành non, làm lá vàng.

Biện pháp phòng trừ:

Sử dụng luân phiên các hoạt chất như: Acephate (Lancer 50SP), Chlorpyrifos Ethyl (Pyritox 480EC), Fenobucarb (Nibas 50EC), Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC), Imidacloprid (Confidor 100SL), Alpha-cypermethrin + Profenofos (Profast 210EC).

Rệp muội, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh gây hại trên cây cà phê

3. Bọ xít muỗi (Helopeltis sp.)

Đặc điểm sinh sống và gây hại:

Bọ xít muỗi chích vào chồi non, lá non, cành non, hoa, quả non để hút nhựa cây, tạo ra các vết đen làm quăn lá và đọt non, làm lá bị khô từ chóp. Hoa bị héo khô, quả non rụng, ảnh hưởng đến năng suất.

Biện pháp phòng trừ:

Canh tác: Đảm bảo mật độ trồng thích hợp, tỉa cành tạo tán thoáng. Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ để loại bỏ nơi trú ẩn của bọ xít muỗi.

Vật lý: Thu gom tàn dư cây trồng vào đầu mùa khô, đốt và hun khói để xua đuổi bọ.

Sinh học: Bảo vệ thiên địch tự nhiên như kiến đen, kiến xanh, kiến vàng.

Hóa học: Phun thuốc trừ bọ xít muỗi vào lúc cây ra đọt non, lá non. Sử dụng các hoạt chất như Alpha-cypermethrin + Chlopyrifos Ethyl (Supertac 500EC), Abamectin (Javitin 36EC), Azadirachtin (Vineem 1500EC), Thiamethoxam (Actara 25WG).

4. Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix)

Đặc điểm và triệu chứng:

Bệnh gây hại trên lá, xuất hiện các đốm tròn nhỏ màu vàng, sau đó lớn dần và xuất hiện lớp phấn màu vàng da cam dưới mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng và rụng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Biện pháp phòng trừ:

Canh tác: Bón phân đầy đủ, tạo hình thoáng mát, tỉa cành hợp lý. Sử dụng giống kháng bệnh như Catimor, THA1, TN1.

Hóa học: Dùng các loại thuốc như Diniconazole (Nicozol 25SC), Hexaconazole (Anvil 5SC), Propiconazole (Tilt 250EC), Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300EC).

Bệnh gỉ sắt trên lá cà phê

5. Bệnh khô cành quả (Colletotrichum spp.)

Đặc điểm và triệu chứng:

Bệnh phát triển mạnh ở giai đoạn hình thành quả. Trên lá, xuất hiện các vết nâu loang lổ có vòng đồng tâm, cành và thân bị tấn công làm cành khô, quả rụng.

Biện pháp phòng trừ:

Canh tác: Bón phân đầy đủ, cắt bỏ cành bị bệnh và đốt tiêu hủy.

Hóa học: Sử dụng các hoạt chất như Propineb (Antracol 70WP), Copper Hydrocide (DuPont Kocide 53.8DF), Mancozeb (Dithane M-45 80WP), Hexaconazole (Topvil 111SC).

6. Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)

Triệu chứng gây hại:

Bệnh xuất hiện trên cành, tạo vết màu hồng nhạt, vết bệnh phát triển bọc quanh cành làm lá vàng, quả rụng, cành khô chết.

Biện pháp phòng trừ bệnh nấm hồng trên cà phê

Canh tác: Tỉa cành, tạo tán thông thoáng cho vườn cây.

Hóa học: Cắt bỏ cành bị bệnh, đốt tiêu hủy kết hợp phun thuốc BVTV như Validamycin (Vivadamy 5SL), Copper Hydroxide (Champion 77WP), Eugenol (Genol 0.3SL), Azoxystrobin + Difenoconazole (Myfatop 650WP).

Để nâng cao chất lượng và năng suất, bà con có thể theo dõi các bài viết kỹ thuật và sản phẩm chăm sóc cây sầu riêng tại đây

NHẬT NÔNG GROUP – RẠNG NGỜI NÔNG VIỆT

Đồng hành cùng bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng năng suất cao!
Bà con theo dõi chúng tôi tại Fanpage: www.facebook.com/phanbonnhatnong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *