Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những phế phụ phẩm trong nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn. Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu trong 3 năm gần đây đều tăng đáng kể.
Tăng nhanh nhu cầu phân bón hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ được xem là tất yếu của ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác hữu cơ, canh tác nông nghiệp sạch không chỉ là một trào lưu, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, định dạng sản xuất nông nghiệp thời gian tới.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, phân bón hữu cơ có nhiều đặc tính tốt cho cây trồng và hệ sinh thái đất. Trong đó, phân bón hữu cơ giúp cải thiện tính chất vật lý của đất và tăng tỷ lệ cấu trúc của đất; chống rửa trôi xói mòn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển. Chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ màu mỡ đất, tránh ô nhiễm trong khai thác nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và bảo vệ môi trường lâu bền.
Từ năm 2016, Việt Nam đã khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chỉ trong thời gian ngắn đã có bước chuyển về nhận thức của doanh nghiệp, nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước về phân bón hữu cơ. Không chỉ sản xuất mà còn ứng dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp.
Đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là gần 2.500 sản phẩm, tăng 3,5 lần so với cuối năm 2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận vào cùng thời điểm. Cả nước hiện có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trong tổng số 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017. Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng nhanh về nhu cầu sử dụng “phân bón sạch”, lượng phân hữu cơ nhập khẩu cũng tăng. Theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, riêng năm 2017, khối lượng nhập khẩu phân hữu cơ của nước ta khoảng 220.000 tấn, tăng gấp hai lần so với năm 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này: “Đối với doanh nghiệp đây là cơ hội, chúng ta có 15 triệu ha canh tác hàng năm với nhu cầu bình quân khoảng 80 triệu tấn phân hữu cơ cho canh tác 15 triệu ha, như vậy “dư địa” của lĩnh vực này là rất lớn. Đến năm 2020 giả sử đạt 3 triệu tấn thì như vậy tiềm năng thời gian tới còn rất lớn để tổ chức sản xuất trong khi đó nguyên liệu đầu vào chúng ta rất chủ động”.
Tiềm năng và lợi thế lớn
Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn với lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những phế phụ phẩm trong nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn.
Để đạt mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, ngành nông nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ.
Với hệ thống 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, công suất hàng năm khoảng 500.000 tấn, và đang có kế hoạch nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: “Để thúc đẩy sản xuất phân bón quan trọng là từ phía người tiêu dùng, phải xây dựng lòng tin cho nông dân, người tiêu dùng đồng thời xây dựng chuỗi trong nông nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ phân bón cũng như tiêu thụ những nông sản sạch cho bà con nông dân. Trong quá trình hoạt động Tập đoàn luôn hướng đến người nông dân bởi nếu nông dân không sử dụng phân bón hóa học thì sẽ đảm bảo sức khỏe, qua đó cũng sản xuất nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng.”
Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh… đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ. Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên (rong biển, tảo biển…).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, kết quả quan trọng nhất sau 2 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng sản xuất hữu cơ cụ thể là ứng dụng phân hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp đã cơ bản chuyển đổi được nhận thức của xã hội. Đến nay, Chính phủ đã hoàn thiện được các thiết chế hạ tầng bao gồm từ Luật Trồng trọt, Nghị định hữu cơ 109, Nghị định phân bón 108 định hướng rất rõ khuyến khích phát triển ứng dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, sự ủng hộ nông dân cũng như của doanh nghiệp về chủ trương chung của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua đó chỉ trong gần 2 năm triển khai, công suất sản xuất phân bón hữu cơ đã tăng gấn 1,5 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, xác định đây là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phân bón hữu cơ bằng cách cụ thể hóa Luật Trồng trọt, Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, cụ thể hóa Nghị định về khuyến khích đầu tư để các doanh nghiệp vào cuộc nhiều hơn.
“Trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp phải tập trung vào chất lượng, không đặt nặng vấn đề số lượng. Việt Nam đã, đang và sẽ phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại thông minh trong đó nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng bắt buộc để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nông sản của người tiêu dùng. Đây chính là yếu tố giúp nông sản Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị nông sản” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất cũng như đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ. Các ngành chức năng cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng phân bón cũng như phối hợp với các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ.
Nguồn: Tin Tức Nông Nghiệp