Thanh Long của Việt Nam tìm được thị trường mới là Ấn Độ và Pakistan.
Sáng 3-8, văn phòng Bộ Công thương thông tin cho báo giới, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan sẽ tổ chức một hội nghị giao thương trực tuyến để giới thiệu và xúc tiến thị trường xuất khẩu cho trái thanh long của Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan.
Sự kiện này nằm trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021, nhằm hỗ trợ các địa phương trồng thanh long, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thanh long Việt Nam cập nhật các thông tin tình hình, xu hướng, nhu cầu thị trường, tìm kiếm, kết nối với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu tại Ấn Độ và Pakistan, tăng cường xúc tiến xuất khẩu thanh long tươi và các sản phẩm từ thanh long của Việt Nam sang hai thị trường tiềm năng và mới mẻ này.
Dự kiến, hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 5-8.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, thanh long Việt Nam được trồng ở nhiều địa phương, nhưng “thủ phủ” của nông sản này là tỉnh Bình Thuận. Theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 33.750ha canh tác thanh long, trong đó diện tích thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 11.000ha, GlobalGAP đạt 517ha. Năm 2020, sản lượng thanh long thu hoạch ở đây đạt gần 700.000 tấn.
Lâu nay, thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Một số cửa khẩu ngừng thông quan trong một số thời điểm để kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến hàng hóa tồn đọng. Vì vậy, đẩy mạnh xúc tiến, tìm thị trường mới cho thanh long, nông sản Việt Nam là yêu cầu mới hiện nay.
Nguồn: Theo Văn Phúc (Báo SGGP)
Mời quý bà con và các bạn đọc theo dõi thêm nhiều bài tin tức nông nghiệp mới nhất TẠI ĐÂY.
Hoặc CLIK VÀO ĐÂY để tham khảo thêm những bài tin tức, cẩm nang về cây trồng hữu ích.