Tính chất đất, trong đó nổi bật là tính chất hóa học đất, có liên quan rất nhiều đến cách sử dụng phân bón. Ta có thể tạm chia đất thành 3 loại theo tính chất hóa học đất (hay độ phì nhiêu) như sau:
1) Đất tốt: Đất tốt, hiểu theo nghĩa ứng dụng trong kỹ thuật bón phân, là đất có các tính chất hóa học tốt. Các loại đất này thường không chua hoặc ít chua, giàu các nguyên tố Canxi, Magie và các nguyên tố dinh dưỡng khác. Đất thường có Độ No Bazơ trên 60%, hàm lượng Canxi trao đổi trên 5 mili đương lượng/ 100 g đất. Các loại đất này thường là đất phù sa mới của các con sông, đất đen, đất nâu đỏ phát triển trên đá Bazan, đá vôi …
2) Đất trung bình:Loại này thường bao gồm các loại đất đã bị chua hóa trung bình, có hàm lượng Canxi, Magie và cả các nguyên tố dinh dưỡng khác ở mức trung bình. Đất thường có Độ No Bazơ 40 – 60%, hàm lượng Canxi trao đổi 2 – 5 mili đương lượng/ 100 g đất. Các loại đất này thường là đất phù sa cũ, đất đỏ nâu trên Bazan, đất xám xẫm màu …
3) Đất xấu:Bao gồm các loại đất đã bị chua nhiều, có hàm lượng Canxi, Manhe và các nguyên tố dinh dưỡng khác ở mức nghèo. Đất thường có Độ No Bazơ nhỏ hơn 40%, hàm lượng Canxi trao đổi thường nhỏ hơn 2 mili đương lượng/ 100 g đất. Các loại đất này thường là đất phù sa cổ, đất đỏ lợt màu trên Bazan, đất xám bạc màu …
Tuy nhiên còn một số loại “đất xấu” khác nhưng không phổ biến ở nước ta như đất mặn, mặn kiềm, đất phèn v.v.. nhưng chúng xấu theo một nguyên lý khác, không đặc trưng cho loại đất rửa trôi mạnh ở vùng nhiệt đới ẩm như Việt Nam .
Ơ các loại đất tốt thì việc bón cũng ít quan trọng và thường cũng chỉ cần chú ý bón các loại phân chính yếu là các nguyên tố NPK. Ơ các loại đất này nông dân thường “bóc lột” độ phì tự nhiên của đất bằng cách không bón phân hoặc chỉ bón phân đạm Urea là đủ.
Ngược lại, ở đất trung bình, nhất là ở đất xấu thì việc bón phân vô cùng quan trọng. Bón phân cho các loại đất này, ngoài việc phải bón đầy đủ phân NPK, người ta còn phải quan tâm nhiều đến các nguyên tố phụ như Canxi, Magie, Lưu huỳnh. Không những thế, trên các loại đất xấu, nhất là đất xám bạc màu, người ta còn phải bón các loại phân có chứa đầy đủ cả các nguyên tố vi lượng nữa. Việc bón phân cho đậu phọng trên đất xám là một ví dụ. Ở đây ngoài việc phải bón đầy đủ phân NPK người ta bắt buộc phải bón thêm “tro dừa”. Không phải chỉ trên cây đậu phọng, mà các cây trồng khác trên đất xám cũng rất cần được bón các loại phân dạng “tro dừa” đó. Chúng ta phải hiểu rằng “tro dừa” ở đây có nghĩa là loại phân tổng hợp, trong đó chủ yếu cung cấp các nguyên tố thứ yếu như Canxi, Manhe, Kali và các nguyên tố vi lượng khác nữa. Hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện một số loại có thể thay thế được tro dừa cho vùng đất xám.
Bà con tham khảo thêm phân bón hữu cơ tại đây: https://nhatnonggroup.com/ và thuốc BVTV tại : https://tapdoanvinasa.com/