Câu cấu gây hại trên cây có múi là vấn đề nan giải của nhiều nhà vườn hiện nay. Chúng tấn công vào cây trồng ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như chất lượng nông sản.
a – Đặc điểm nhận dạng của câu cấu.
Có 2 loại: (loại to và loại nhỏ)
- Câu cấu to thường xuất hiện số lượng ít.
- Câu cấu nhỏ là loại nhân ra rất nhanh có thể thành dịch.
Trưởng thành: Là bọ cánh cứng, thân hình bầu dục, dài khoảng 7-10mm trên toàn thân có phủ lớp ánh kim nhũ, trưởng thành cái màu xanh, trưởng thành đực có màu vàng, đầu kéo dài như một cái vòi.
Trứng: Đẻ rải rác từng quả trên mặt đất, hình bầu dục, dài khoảng 1mm, màu trắng ngà.
Sâu non: Màu trắng sữa, mình hơi cong, không có chân, sống trong đất ăn chất hữu cơ và rễ cây.
Nhộng: Màu trắng ngà, dài khoảng 10mm, nằm trong đất.
b – Tập tính sinh sống và gây hại
Câu cấu là đối tượng rất nguy hiểm bởi với số lượng lớn, phàm ăn, chúng ăn cụt các đọt non, lá non, lá bánh tẻ (thậm chí cả lá già với loài Platymycterus sieversi) và quả non. Quả bị hại nặng có thể rụng, quả bị nhẹ làm vỏ quả biến dạng, giảm phẩm cấp thương phẩm quả. Câu cấu trưởng thành xuất hiện sau các đợt mưa khi cây cam quýt đang ra lộc hè và lộc thu. Câu cấu phá hại lộc làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây, lộc thu nó còn làm giảm năng suất vườn cây năm sau.
Câu cấu là loài sâu hại đa thực, ngoài gây hại trên cây ăn quả có múi, chúng còn gây hại các cây ăn quả khác như xoài, nhãn, vải…
c – Biện pháp phòng, trừ
Phòng: Thường xuyên kiểm tra vườn cây, nhất là các vườn ươm, vườn kiến thiết cơ bản để phát hiện sớm và chủ động phòng trừ.
* Biện pháp thủ công: Dùng vợt hoặc bắt bằng tay câu cấu trưởng thành để tiêu diệt.
* Biện pháp hóa học: Khi câu cấu xuất hiện nhiều cần phun thuốc Supracid 40EC nồng độ 0,25% hoặc Padan pha nồng độ 0,2% phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.