Canh tác lúa thông minh là mô hình mới tại ĐBSCL vụ hè thu 2021, tiếp tục khẳng định được rất nhiều lợi ích, nhất là chi phí sản xuất; tăng năng suất, lợi nhuận…
Ban tổ chức Chương trình Canh tác lúa thông minh vụ hè thu 2021 tại ĐBSCL vừa tổ chức tổng kết chương trình bằng hình thức livestream.
Đây là buổi tổng kết thứ 3 của Ban tổ chức gồm Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức bằng hình thức livestream.
Theo đánh giá của các chuyên gia của chương trình: Lượng giống gieo sạ với bà con nông dân xưa nay được coi là chuyện nhỏ. Thói quen đã thành truyền thống là sạ dày, lúa lên xanh nhanh, mát mắt khi thăm đồng. Có câu: “Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”. Tại ĐBSCL, nông dân thường sạ 200 kg giống/ha, có nơi sạ trên 250kg. Nay yêu cầu nông dân chỉ sạ tối đa 60 kg, 80 kg hay 90 kg giống/ha thì thành chuyện lớn.
Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau là 3 địa phương có điều kiện canh tác lúa không mấy thuận lợi, do đất nhiễm phèn và mặn. Nhiều vùng trồng lúa phụ thuộc vào nước trời. Việc áp dụng các gói kỹ thuật canh tác, nhất là giảm lượng giống gieo sạ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh cho biết, nông dân tham gia mô hình Canh tác lúa thông minh lúc đầu rất lo lắng, vì sạ chỉ từ 18 đến 20 kg giống/công, nay hạ xuống chỉ còn 8 đến 9 kg, không biết lúa sẽ mọc ra sao. Xuống giống xong, lúa mọc thưa thớt, không mát mắt như sạ dày bên ruộng đối chứng. Nhưng qua 2 tuần, lúa nảy chồi rất mạnh, chồi to, cây cứng, màu xanh sáng.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Ban cố vấn chương trình nói: Qua một năm theo dõi mô hình tại Sóc Trăng, thấy lợi nhuận tăng 8 triệu đồng/ha vụ so với đối chứng, 2 vụ đạt 58 triệu đồng/ha. Đây là vùng đất trũng phèn nam sông Hậu, luôn có độ mặn, độ phèn cao, độ pH thấp (dưới 4,5) mà làm được vậy thì rất là mừng.
TS Hồ Văn Chiến, Thành viên Ban cố vấn lý giải, mô hình đã đạt được 5 tiêu chí mà chương trình đề ra. Việc tiết giảm từ 20 đến 70 kg giống/ha, nếu làm được trên tổng số 1,6 triệu ha canh tác lúa tại ĐBSCL sẽ giảm được hàng trăm ngàn tấn giống. Con số quy thành tiền là không nhỏ. Việc giảm giống rất đúng với nhu cầu của nông dân; nên phải tăng cường truyền thông để nông dân hiểu, biết và làm theo vì nó có lợi cả về mặt kinh tế và môi trường.
Giảm giống, lượng phân bón cũng giảm được trung bình 40 kg phân đạm, 30 kg phân lân, 45 kg phân kali/ha/vụ. Chỉ tính riêng phân urê, ĐBSCL có thể giảm được tới 115.500 tấn/vụ. Giảm giống, cây lúa khỏe, chân ruộng thoáng, tiếp nhận được nhiều ánh nắng mặt trời, sẽ giảm sâu bệnh phá hoại, nên giảm được từ 1 đến 2 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi năng suất tăng từ 100 đến 600 kg/ha/vụ so với đối chứng.
Đầu vào giảm thì lợi nhuận tăng. Trung bình lợi nhuận trong mô hình tăng từ 3 triệu đến hơn 4 triệu đồng/ha so với đối chứng. Giảm thuốc BVTV và phân bón còn có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường sinh thái của cộng đồng.
Trong mô hình, một m2 đếm được 469 bông lúa chắc hạt, bên ruộng đối chứng là 539 bông; nhưng 1 bông trong mô hình có hơn 70 hạt, hạt lại mẩy, sáng đẹp; trong khi bên đối chứng chỉ có khoảng 55 hạt, hạt lại nhỏ, có cả hạt lửng.
Ông Võ Quốc Trung, Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho rằng, nông dân canh tác lúa quan tâm đến sản lượng và giá bán mà chưa quan tâm nhiều đến chi phí đầu vào. Giảm giống tiết giảm được chi phí đầu vào một khoản kha khá. Nhưng để người dân ý thức được việc phải giảm giống ra sao, giảm bao nhiêu là vừa… là nhờ tiếp thu tốt tư vấn của các nhà khoa học.
“Nông dân trong mô hình đã biết được canh tác thông minh là tìm ra được điều kiện để giảm giống, biết xử lý các tác nhân gây hại như ốc bươu vàng và các loại côn trùng phá hoại hạt giống, các độc chất trong đất và nguồn nước tưới…, và nhất là chất lượng hạt giống, để chủ động gieo sạ lượng giống vừa đủ. Đó là thông minh”, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nói.
Quý bà con muốn tham khảo thêm nhiều bài tin tức nông nghiệp hữu ích khác, mời bà con CLIK TẠI ĐÂY.