Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách nhập khẩu được quốc gia này đưa ra mới thật sự là điều đáng lo hơn.
Thời gian gần đây, Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Đây được xem là động thái được chính quyền Trung Quốc đưa ra để ứng phó với các đòn áp thuế của chính quyền Mỹ. Song, việc phá giá đồng nhân dân tệ đã ảnh hưởng xấu đến các nước xung quanh, trong đó, có Việt Nam – quốc gia vốn có mặt hàng nông sản được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ với mục đích hỗ trợ trong nước, nhưng đối với nhập khẩu thì bị ảnh hưởng, mà cụ thể phải dùng 7 nhân dân tệ mới mua được 1 đô la Mỹ so với mức 6 nhân dân tệ trước đây.
Theo ông Bình, ví dụ trước đây Trung Quốc mua gạo của Việt Nam với giá 400 đô la Mỹ/tấn, tức họ phải bỏ ra 2.400 nhân dân tệ, thì bây giờ họ phải bỏ ra 2.800 nhân dân tệ để mua 1 tấn gạo của Việt Nam.
“Chính vì vậy, thương nhân Trung Quốc quay sang ép giá thương nhân Việt Nam”, ông cho biết và nói rằng các loại nông sản khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, xét về góc độ kinh tế, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ có rất ảnh hưởng rất lớn đến hàng nông sản của Việt Nam vì đây là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhiều loại nông, thủy sản.
“Bất chợt Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, thì doanh nghiệp cũng điêu đứng, mà doanh nghiệp khó thì nông dân cũng bị ảnh hưởng trực tiếp rất nhiều”, bà Thu cho biết.
Theo bà Thu, ảnh hưởng lớn nhất từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, đó là giá trị sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm vì bị thương nhân Trung Quốc ép giá. “Trước đây, bán lô hàng 100 triệu đồng, nhưng giờ cũng lô hàng tương tự nhưng quy đổi ra còn 90 triệu đồng thôi”, bà dẫn chứng.
Việc giá trị sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc bị sụt giảm, theo thừa nhận của bà Thu, đối với doanh nghiệp, cũng phải cân đối, tính toán lại mức giá thu mua từ nông dân, mà cụ thể là sẽ giảm giá thu mua sản phẩm xuống.
Cùng quan điểm, theo ông Bình, khi giá trị gạo xuất khẩu sụt giảm, thì chắc chắn doanh nghiệp phải cân đối lại mức giá thu mua lúa từ nông dân cho hợp lý hơn. “Đó cũng là lý do vì sao giá lúa hiện nay khá thấp”, ông cho biết và thông tin thêm rằng: “Những tháng đầu năm 2019, dù sản lượng gạo xuất khẩu giảm không đáng kể so với cùng kỳ, nhưng giá trị giảm đến hơn 20% so với cùng kỳ”.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý theo ông Bình, đó là thị trường Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu nhiều loại nông sản, trong đó, có mặt hàng gạo. “Riêng về ngành gạo, khó khăn xuất phát từ quí 4-2018 chứ không phải mới bây giờ”, ông cho biết.
Ngoài ra, theo ông Bình, không chỉ gạo, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng bị Trung Quốc “siết” nhập khẩu, mà cụ thể họ đưa ra các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Bà Thu của Chánh Thu cho biết, thay đổi chính sách lớn nhất ở thị trường Trung Quốc là không được nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi hiện chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang đây, dẫn đến nhiều loại trái cây tiêu thụ rất khó khăn.
“Giống như sầu riêng, khi ra tới cửa khẩu mà không có đủ thủ tục, hồ sơ thông quan, thì dĩ nhiên phải quay trở về bán đổ, bán tháo”, bà cho biết và thông tin thương lái Trung Quốc hiện cũng không còn trực tiếp sang Việt Nam để mua sầu riêng.
Đối với các sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, theo bà Thu, phía Trung Quốc cũng đã tăng cường kiểm soát hơn so với trước đây. “Ví dụ, trước đây họ kiểm dịch không khó, thì bây giờ kiểm dịch rất khó”, bà dẫn chứng và nói rằng khi kiểm tra nếu phát hiện có dịch hại, thì phía Trung Quốc có quyền trả hàng về bất cứ lúc nào.
Từ những thay đổi chính sách của thị trường Trung Quốc, theo bà Thu, bên cạnh việc Chính phủ phải đàm phán mở cửa thêm cho nhiều loại mặt hàng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam, tức cả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ phải cải thiện lại từ đầu, sản xuất đáp ứng yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.
Theo bà Thu, đơn vị này đang phối hợp với Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất, đóng gói theo quy trình được phía Trung Quốc đưa ra đối với sản phẩm măng cụt.
“Đây sẽ là sản phẩm trái cây thứ 9 của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, bà thông tin.
Như vậy việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng tùy thuộc vào việc thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc.
Nguồn: Tin Tức Nông Nghiệp