Kỹ thuật xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ giúp bà con chủ động điều chỉnh thời gian ra hoa tránh trùng vụ chính. Đưa trái ra thị trường vào đúng thời điểm khan hiếm, từ đó thu được giá bán cao hơn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất nhạy cảm, đòi hỏi kỹ thuật chính xác và kinh nghiệm. Vì thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe cây, điều kiện thời tiết, giống sầu riêng và quy trình xử lý từng bước.
Điều kiện cần trước khi xử lý ra hoa nghịch vụ
Trước khi bắt đầu xử lý ra hoa nghịch vụ, cần đảm bảo cây đạt những tiêu chí sau:
Cây phải khỏe mạnh, không mang các bệnh phổ biến như xì mủ, thán thư, rong rêu. Hay các loại sâu bệnh khác. Nếu cây đang có dấu hiệu bệnh lý, cần phục hồi hoàn toàn trước khi xử lý ra hoa. Tránh suy kiệt cây không đủ sức nuôi bông, xử lý mầm hoa không hiệu quả.
Bên cạnh đó, cây cần có đủ lá để tích lũy dinh dưỡng. Tối thiểu phải đạt từ hai đến ba cơi lá khỏe, ổn định. Các cơi lá này cần phát triển tốt, không sâu bệnh, đủ già. Đảm bảo cây có nguồn dự trữ năng lượng cho việc phân hóa mầm hoa.
Ngoài ra, phải có “tiết làm bông” phù hợp. Đây là yếu tố thuộc về điều kiện ngoại cảnh. Như nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng và đặc biệt là thủy triều ở những vùng có ao mương. Những thời điểm có tiết thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa mạnh, hiệu quả cao hơn.
Quy trình & kỹ thuật xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
1. Giai đoạn dằn Lân – bón Lân gốc
Giai đoạn này nhằm mục tiêu giúp cây ngừng phát triển sinh trưởng (đọt). Chuyển cây sang tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị phân hóa mầm hoa.
Thời điểm bón Lân thường được tính từ sau khi cây hoàn thành cơi đọt cuối cùng trước khi xử lý ra hoa. Ví dụ, nếu nhà vườn chủ động để cây ra 2 cơi lá. Thì thời điểm bón Lân sẽ là khi cơi đọt thứ nhất chuyển từ lá lụa sang lá bánh tẻ. Nếu để 3 cơi, thì bón Lân khi cơi thứ hai đạt mức lá bánh tẻ.
Liều lượng Lân tùy vào tuổi cây và điều kiện sinh trưởng thực tế. Với cây sầu riêng khoảng 4-5 năm tuổi ở vùng miền Tây, liều lượng trung bình khoảng 3–4 kg phân Lân/gốc. Lượng này có thể điều chỉnh tùy theo sức cây: cây sung, xanh đậm có thể giảm. Cây yếu có thể tăng nhẹ kết hợp với các dòng Lân hữu cơ dễ tiêu.
Cách bón là rải đều quanh tán, trong phạm vi 2/3 tán cây tính từ gốc ra. Trước khi bón cần dọn sạch cỏ trong vùng bón phân. Đảm bảo phân tiếp xúc trực tiếp với đất, dễ tan và hấp thu. Tránh để phân bị giữ lại trên lớp cỏ vì sẽ giảm hiệu quả và làm mất tác dụng dằn Lân.
2. Tạo mầm hoa sầu riêng lần 1
Khoảng 25–30 ngày sau khi bón Lân, tùy tốc độ phát triển của cơi đọt, nhà vườn tiến hành tạo mầm hoa bằng cách phun các loại phân bón lá có hàm lượng Lân và Kali cao. Việc tạo mầm cần dựa vào độ mở của lá để xác định thời điểm phù hợp.
Với cây ra cơi 4 lá, thời điểm phun tạo mầm là khi 2 lá trong vừa mở, còn 2 lá ngoài còn khép. Nếu là cơi 5 lá thì nên phun khi 3 lá ngoài đã mở ra. Với cơi 6 lá, thời điểm tốt nhất là khi 3,5 đến 4 lá đã mở.
Việc phun tạo mầm yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ, cần phun đều toàn bộ mặt dưới lá và dạ cành. Đây là nơi hình thành mầm hoa. Chỉ phun ướt đều, không để nước nhỏ giọt, tránh thất thoát và gây nấm bệnh.
Sau khi phun lần 1, khoảng 7–10 ngày sau, nhà vườn cần kiểm tra mầm hoa bằng cách soi đèn pin vào ban đêm. Mắt cua ban đầu sẽ rất nhỏ, chỉ như những chấm trắng nhẹ trên dạ cành. Nếu mắt cua chưa rõ rệt, tiếp tục phun tạo mầm lần 2, và nếu cần thì làm thêm lần 3, mỗi lần cách nhau khoảng một tuần. Trong giai đoạn này, việc duy trì độ ẩm vừa đủ cho đất rất quan trọng, cây vẫn cần tưới nước đều nhưng tránh ngập úng hoặc quá khô.

3. Phủ mủ – đậy màn nilon
Khi mắt cua bắt đầu xuất hiện – dù còn thưa – nhà vườn tiến hành phủ mủ bằng nilon kín gốc. Mục tiêu của việc phủ mủ là ngăn nước mưa hoặc nước tưới thấm vào gốc. Nên giữ gốc khô để tăng hiệu quả khi sử dụng Paclobutrazol.
Tuy nhiên, chỉ nên phủ mủ khi đất còn ẩm, cây không bị khô nước. Nếu đậy khi gốc quá khô, cây sẽ không thể hút được Paclobutrazol sau khi phun, dẫn đến xử lý thất bại.
4. Phun Paclobutrazol (Paclo)
Ngay sau khi đậy mủ, nhà vườn cần phun Paclobutrazol càng sớm càng tốt để cây bắt đầu quá trình ức chế sinh trưởng và kích thích phân hóa mầm hoa.
Paclobutrazol cần được phun kỹ vào các dạ cành, mặt dưới lá và phần thân bên trong cây. Không nên phun mặt trên lá hay vung vãi ra ngoài vì sẽ giảm hiệu lực và gây lãng phí.
Sau khi phun, cần cắt hoàn toàn nước tưới. Nếu vườn có hệ thống mương, cần rút nước ra để tạo điều kiện khô hạn. Tăng khả năng hấp thu Paclo qua rễ và lá. Lưu ý, Paclo chỉ nên sử dụng một lần duy nhất trong mỗi mùa xử lý. Việc phun quá nhiều hoặc quá liều có thể gây ngộ độc Paclo, khiến cây sầu riêng bị suy kiệt, thậm chí chết cây.
5. Tạo mầm hoa lần 1 sau khi phun Paclo
Mười ngày sau khi phun Paclo, nhà vườn tiến hành phun tạo mầm lần nữa. Phun như tạo mầm lần 1, chú trọng mặt dưới lá và dạ cành. Việc tạo mầm sau Paclo có thể lặp lại 1–2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Cho đến khi mắt cua sáng rõ từ 10–20% thì ngừng.
6. Dỡ mủ – tưới nước lại
Khi mắt cua sáng rõ khoảng 70–80%, tùy theo giống. Bà con bắt đầu tháo mủ và phục hồi độ ẩm cho cây.
Với giống Ri6, thời điểm dỡ mủ thường là khi 70–80% mắt cua đã sáng rõ, có ánh sáng trắng nhẹ. Đối với giống Monthong (Musangking), mắt cua cần ra dài khoảng 2–3 cm thì mới tháo mủ.
Sau khi dỡ mủ, cần xới nhẹ mặt đất quanh gốc. Tưới nước nhẹ (khoảng 20–30% so với lượng nước tưới thông thường), sau đó tăng dần. Tuyệt đối không tưới quá sớm khi mắt cua chưa sáng rõ vì có thể làm nghẽn bông, làm mắt cua bị đen lại. Hoặc chuyển thành bông lá (bông phướn) – không có giá trị.
7. Giai đoạn kéo mắt cua – kéo bông sầu riêng
Sau khi thực hiện siết nước kết hợp phun tạo mầm, mắt cua sầu riêng bắt đầu xuất hiện – đây là dấu hiệu cho thấy mầm hoa đang hình thành. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, mắt cua thường không phát triển đồng đều. Do đó, bà con cần tiến hành kéo mắt cua để kích thích mắt cua phát triển mạnh, đồng loạt và sáng rõ.
Việc phun rước mắt cua đúng thời điểm sẽ giúp mầm hoa phát triển nhanh hơn, hạn chế hiện tượng chai đầu bông, khô đen bông, đồng thời kéo mạnh mầm hoa ra ngoài. Nhờ đó, mắt cua sáng rõ, bông vọt nhanh, làm tăng tỉ lệ đậu hoa và quả non.

Khi mắt cua sáng đồng đều, tiến hành bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp bung bông mạnh mẽ. Các chất thường dùng là amino acid, trung – vi lượng, Bo, Ca, Mg… Giúp mầm hoa phát triển ổn định, tăng tỷ lệ đậu bông, giảm bông dị tật hoặc bông lép.
Tổng kết
Kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ cho sầu riêng là một quy trình kỹ thuật cao, đòi hỏi sự cẩn trọng, quan sát sát sao và linh hoạt theo từng vườn, từng cây và từng mùa. Không có công thức cố định, và không thể áp dụng cứng nhắc từ vụ này sang vụ khác. Có khi mùa này xử lý đúng kỹ thuật sẽ đạt kết quả rất tốt, nhưng mùa sau nếu điều kiện thời tiết thay đổi, cây không đủ sức thì kết quả lại không như mong muốn.
Do đó, ngoài nắm vững lý thuyết, nhà vườn cần kiên nhẫn theo dõi thực tế vườn cây, điều chỉnh phù hợp và không nên chủ quan ở bất kỳ giai đoạn nào. Nếu cần thiết, nên tham khảo ý kiến kỹ thuật từ các chuyên gia nông nghiệp hoặc đơn vị cung cấp sản phẩm đầu vào uy tín.
Hãy theo dõi Nhật Nông để được chia sẻ bí quyết khác trong các bài viết tiếp theo!
Để nâng cao chất lượng và năng suất, bà con có thể theo dõi các bài viết kỹ thuật và sản phẩm chăm sóc cây sầu riêng trên Website tại đây!
NHẬT NÔNG GROUP – RẠNG NGỜI NÔNG VIỆT
Đồng hành cùng bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng năng suất cao!
Bà con theo dõi để cập nhật thêm các bài viết kỹ thuật khác của chúng tôi tại Fanpage: www.facebook.com/phanbonnhatnong
Nếu quý bà con cần tư vấn về sản phẩm hoặc kỹ thuật, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 09.09.45.25.26. Đội ngũ kỹ sư của Nhật Nông sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn tận tình, giúp bà con đạt được hiệu quả cao nhất trong canh tác!