Mía Hậu Giang đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Mía bán cho ép nước giải khát không tiêu thụ được. Trong khi các nhà máy đường số đã dừng hoạt động, số phải tới cuối vụ mới có thể thu mua mía cho dân.
Mía Hậu Giang chưa bao giờ bế tắc như lúc này
Nông dân trồng mía ở Hậu Giang đã từng trải qua nhiều vụ “mía đắng” khi giá bán thấp, thua lỗ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ họ gặp khó khăn bủa vây như lúc này. Dịch bệnh Covid-19 đã làm tắc hoàn toàn đầu ra trong khi hàng ngàn ha mía đang chờ thu hoạch.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, diện tích trồng mía năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 5.041 ha (kế hoạch là 5.000 ha), giảm 867 ha so với năm 2020. Diện tích trồng mía tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp (4.725 ha), TP. Ngã Bảy (314 ha), riêng TP. Vị Thanh hiện chỉ còn 2 ha trồng mía.
Đến nay, nông dân trồng mía ở Hậu Giang mới chỉ thu hoạch được khoảng 800 ha, chủ yếu bán ép nước giải khát, gồm huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch 681 ha và TP. Ngã Bảy 120 ha. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 100 tấn/ha, với giá bán dao động từ 1.000 – 1.600 đồng/kg.
Đối với diện tích mía còn lại chưa thu hoạch (trên 4.000 ha), dự kiến có khoảng 23% là diện tích sẽ bán mía ép nước (khoảng 970 ha). Còn lại là diện tích mía nguyên liệu (chiếm 77% tổng diện tích toàn tỉnh) dùng để sản xuất đường.
Căn cứ theo mùa vụ xuống giống và thời gian chín của giống mía, dự kiến nông dân trồng mía sẽ thu hoạch trong tháng 9 là 879 ha (có 229 ha mía ép nước), chủ yếu là giống mía chín sớm ROC 16. Thu hoạch trong tháng 10 là 1.361 ha (có 390 hecta mía ép nước), tháng 11 hơn 1.000 ha (có 284 ha mía ép nước) và tháng 12 thu hoạch dứt điểm diện tích còn lại 990 ha.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên mía ép nước cũng không tiêu thụ được. Thương lái đặt cọc mua mía ép nước rất nhiều nhưng chưa thể thu hoạch được vì khâu vận chuyển gặp khó khăn do có nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh. Quá trình đốn thu hoạch mía cần phải có nhiều nhân công nhưng không thể tập trung đông người.
Cách tác mía ở ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng hầu hết các khâu từ trồng đến thu hoạch đa phần là thủ công, phương tiện vận chuyển hạn chế nên tốn nhiều thời gian, công lao động. Từ đó, gia tăng chi phí sản xuất, chất lượng giảm.
Năm nay, giá phân bón tăng cao nên người dân không mạnh dạn đầu tư chăm sóc. Hơn nữa, giá mía nguyên liệu hàng năm thường không ổn định nên thu nhập của người trồng mía rất bấp bênh, không có lãi nhiều hoặc thua lỗ.
Thấp thỏm chờ tiêu thụ
Hậu Giang từng là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, lúc cao điểm lên đến 15.000 ha. Việc thu mua, tiêu thụ mía của tỉnh do 3 nhà máy trên địa bàn đảm nhận, gồm Nhà máy đường Vị Thanh, Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ – CASUCO) và Nhà máy đường Long Mỹ Phát (Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát).
Tuy nhiên, Nhà máy đường Long Mỹ Phát đã bị buộc ngưng hoạt động 2 năm nay do gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy đường Vị Thanh cũng được CASUCO cho đóng cửa từ niên vụ 2020 – 2021, duy nhất chỉ còn Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động, thu mua mía cho nông dân.
Thế nhưng, việc đầu tư, ký kết hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu giữa CASUCO và nông dân Hậu Giang năm nay chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ hơn 6% tổng diện tích đã xuống giống. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 314 ha mía được CASUCO ký hợp đồng bao tiêu và hỗ trợ vật tư đầu vào, gồm huyện Phụng Hiệp là 293 ha và 21 ha tại TP. Ngã Bảy. Con số này thấp hơn rất nhiều so với năm 2020, diện tích bao tiêu lên đến 2.672 ha.
Hình thức đầu tư và bao tiêu là CASUCO sẽ cho nông dân ứng tiền mua giống và vật tư phân bón, khi người dân thu hoạch và bán mía cho công ty sẽ trừ lại các khoản đầu tư. Giá sàn bao tiêu là 1.000 đồng/kg mía 10 CCS tại cầu cảng nhà máy.
Chính vì vậy, CASUCO đã có ý định cho ngưng luôn Nhà máy đường Phụng Hiệp vụ này, do lo ngại không đủ mía nguyên liệu hoạt động. Điều này đã khiến nông dân hết sức lo lắng, không biết tiêu thụ mía cách nào nếu không có nhà máy hoạt động.
Thông tin vui cho nông dân là tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang mới đây, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị CASUCO cho biết, đơn vị đã thống nhất cho Nhà máy đường Phụng Hiệp vào vụ sản xuất cho niên vụ ép 2021 – 2022 dự kiến bắt đầu vào ngày 15/11 tới. Phía CASUCO cũng cam kết sẽ thu mua hết sản lượng cho nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, dù phần lớn diện tích không có hợp đồng bao tiêu.
Hiện tại, đơn vị đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn gấp rút sửa chữa trang thiết bị để sẵn sàng vào vụ ép. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu vận chuyển thiết bị sửa chữa và thợ có tay nghề từ nơi khác vào tỉnh Hậu Giang nên công tác sửa chữa dự kiến mất 14 tuần.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo TP. Ngã Bảy hỗ trợ tối đa để CASUCO sớm hoàn thành công tác sửa chữa tại Nhà máy đường Phụng Hiệp nhằm có thể sớm vào vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, đề nghị CASUCO xây dựng phương án sản xuất cụ thể trong tình hình dịch Covid-19, nhất là giải pháp về việc sử dụng lao động khi vào vụ sản xuất. Hậu Giang sẽ xem xét ưu tiên tiêm vacxin ngừa Covid-19 cho người lao động, để nhà máy hoạt động an toàn và hiệu quả, đảm bảo tiêu thụ hết lượng mía nguyên liệu trong dân.
Nguồn: Theo Đ. T. Chánh
Quý bà con muốn tham khảo thêm nhiều bài tin tức nông nghiệp hữu ích khác, hãy tìm hiểu TẠI ĐÂY.