Sâu đục cành (Chelidonium argentatum) là một trong những loài côn trùng gây hại trên cây có múi, cùng tìm hiểu đặc điểm cũng như cách phòng trị nhé.
a – Đặc điểm nhận dạng
Sâu đục cành là sâu non của con xén tóc xanh. Xén tóc với chiều dài thân 28-35mm, mặt lưng cơ thể màu xanh lục đậm phớt màu tím. Mặt phía bụng phủ lớp lông mịn ánh bạc, hơi xanh. Giữa trán và đỉnh đầu có 1 ngấn rõ. Đốt gốc râu phình to, trên đó có nhiều chấm nhỏ, chân khá lớn, đặc biệt chân sau. Mặt bụng đếm được 6 đốt ở trưởng thành cái và 5 đốt ở trường thành đực.
b – Tập tính sinh sống và gây hại
Xén tóc xanh thường đẻ trứng vào tháng 5-6 trên các nách lá ngọn, cành tăm. Sau 10-12 ngày sâu nở, bắt đầu gặm vỏ cành để sống, đục phá từ cành nhỏ đến cành lớn và cả thân cây. Khoảng 8 – 9 tháng sau, sâu non đục đến cành cấp 1,2, thậm chí có thể tới thân. Thông thường sâu tập trung ở cành cấp 1, làm buồng hoá nhộng bằng cách dùng mùn cưa và chất bài tiết vít đường đục lại rồi đục một lỗ ra ngoài, chừa lại vỏ cành để làm cửa vũ hoá sau này. Khoảng tháng 2-3, sâu non hoá nhộng, tới tháng 4-5 thì vũ hoá thành con xén tóc xanh bay ra. Vòng đời của sâu là 1 năm. Trên thân cây có thể bị hàng chục con sâu đục cành, nếu 2-3 năm liền bị hại, cây sẽ chết.
c – Biện pháp phòng, trừ
Dùng vợt hoặc bắt bằng tay đối với xén tóc trong thời gian con trưởng thành vũ hoá và đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Về mùa mưa thường xuyên đi thăm vườn cây có múi 2 – 3 ngày 1 lần đi kiểm tra quanh tán cây nếu cành héo bẻ bỏ đi và diệt sâu non để tránh sâu ăn xuống.
Nếu sâu đã ăn xuống khoảng 8 – 10 cm, đùn phân ra.
Thì dùng gai mây hoặc dây thép để lấy xác sâu ra hoặc xịt thuốc nồng độ cao vào lỗ có sâu rồi dùng đất sét bịt lại.