Phân bón vô cơ cần được giảm sử dụng trong nông nghiệp

Phân bón vô cơ hay còn gọi phân bón hóa học là những chất vô cơ hóa học có chứa từ một hay nhiều các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết dưới dạng muối khoáng được sử dụng để pha tưới hoặc bón trực tiếp vào nền đất cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Nhờ tiện lợi trong sử dụng và mang lại hiệu quả nhanh chóng, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và tăng năng suất, sản lượng cho cây trồng mà phân bón vô cơ ngày càng được nông dân sử dụng quá mức cần thiết và bỏ qua các loại phân hữu cơ. Ðiều này không những làm tăng chi phí sản xuất mà còn góp phần ảnh hưởng xấu đến chất lượng cây trồng và suy giảm chất lượng đất đai do tích lũy và lưu tồn các hóa chất độc hại từ việc sử dụng phân bón không hợp lý.

Hiện các loại phân bón vô cơ được bày bán trên thị trường có số lượng và chủng loại áp đảo so với phân hữu cơ cũng là tác nhân khiến người tiêu dùng sử dụng nhiều phân bón vô cơ.

Sử dụng nhiều phân bón vô cơ

Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Cụ thể, trong năm 2020 vừa qua, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó có 7,6 triệu tấn phân bón hóa học và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Lượng phân bón sử dụng trung bình là 753 kg/ha gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. Các tỉnh, thành vùng ÐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Trong đó, lượng phân bón vô cơ sử dụng tại ÐBSCL cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc. Cá biệt, Bến Tre có lượng sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Sản xuất nông nghiệp vùng ÐBSCL đang lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Hiện vùng có nhiều loại cây ăn trái trồng lâu năm, cùng với lúa và nhiều loại cây trồng ngắn ngày được thâm canh sản xuất rất nhiều vụ trong năm nên lượng sử dụng phân bón cao. Vấn đề đáng lo là tại vùng ÐBSCL tình trạng sử dụng phân bón hóa học chưa cân đối và bón dư thừa quá mức cần thiết, dẫn đến nông dân tốn nhiều chi phí mà hiệu quả mang lại chưa cao, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. Sử dụng phân vô cơ không hợp lý còn ảnh xấu đến sức khỏe của người sử dụng, làm suy giảm chất lượng đất đai và để lại dư lượng trên nông sản. Nông dân khi canh tác các loại cây trồng hầu như chỉ sử dụng phân bón vô cơ. Nông dân ít quan tâm sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ khoáng và các loại phân vi lượng khoáng để cải thiện đất đai và đồng ruộng.

Theo số liệu điều tra, đánh giá của ngành Nông nghiệp nhiều địa phương ÐBSCL, lượng phân bón được sử dụng tại địa phương là rất lớn nhưng phần lớn là phân bón vô cơ. Ðơn cử, tại tỉnh Ðồng Tháp, với tổng diện tích gieo trồng lúa, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâu năm của năm đạt trên 582.000ha trong năm 2020, tỉnh đã sử dụng 353.372 tấn phân bón các loại, trong đó lượng phân hóa học được sử dụng chiếm tới 95%, còn phân hữu cơ sinh học chỉ chiếm 5% trên tổng lượng phân bón. Còn tại tỉnh Tiền Giang, với tổng diện tích đất trồng lúa 54.599ha, đất trồng cây lâu năm 113.164ha, đất trồng cây hằng năm 10.220ha, mỗi năm tỉnh có nhu cầu sử dụng gần 1,2 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu phân bón vô cơ.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhiều nông dân tại vùng ÐBSCL còn bón phân cho lúa và nhiều loại cây trồng theo truyền thống, chưa cập nhật và chưa được tập huấn bài bản các kiến thức, kỹ năng sử dụng phân bón đối với từng loại cây trồng cụ thể. Ðồng thời, nông dân cũng chưa quan tâm và chưa được ngành chức năng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng các loại phân hữu cơ và thực hiện giãn vụ, luân canh trong sản xuất các loại cây trồng… để đất đai được nghỉ ngơi và tái tạo độ phì nhiêu, từ đó giúp giảm lượng sử dụng phân bón hóa học. Mặt khác, do chưa chủ động nguồn vốn, phải “mua thiếu”  tiền từ các cửa hàng phân bón, cộng với hạn chế về trình độ kiến thức và thông tin nên nhiều người dân còn sử dụng phân bón theo tư vấn của các cửa hàng và chưa theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và hướng dẫn của nhà sản xuất trên các bao bì sản phẩm. Vì vậy, tình trạng sử dụng phân bón dư thừa và không sát nhu cầu thực tế của cây trồng còn phổ biến…

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, việc sử dụng phân bón tại nhiều hộ dân còn lãng phí và chưa tuân thủ theo khuyến cáo phổ biến cho 1ha là 90-130N +  40-90 P2O5 + 40-90 K2O. Nông dân sử dụng phân bón còn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa chú trọng cân đối NPK, bón chưa đúng cách và bón lót không đúng (không sử dụng vôi cho đất nhiễm phèn…) gây lãng phí và giảm hiệu quả của phân bón. Ðể sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, các địa phương cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để bón phân một cách khoa học và hợp lý. Cụ thể, như: bón phân theo bảng so màu lá lúa (LCC) để sát với nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa, thực hiện quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM), bón phân phù hợp từng vùng sinh thái và thời vụ… Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Ðiền, cũng cho rằng: “Nông dân sử dụng phân bón chưa hợp lý. Ngành chức năng cần quan tâm nghiên cứu để hướng dẫn cụ thể cho nông dân theo từng mùa vụ cụ thể, giúp nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để lúa đảm bảo tốt năng suất mà không cần sử dụng nhiều phân bón”. Hỗ trợ nông dân tại vùng ÐBSCL thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh, sử dụng các loại vật tư tiết kiệm và hiệu quả, Bình Ðiền cũng nỗ lực giảm các chi phí sản xuất và kinh doanh để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có mức giá phù hợp, hạn chế tối đa việc tăng giá.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động và giúp người dân áp dụng các giải pháp và gói kỹ thuật tiên tiến đã được đút kết để sử dụng phân bón tiết kiệm. Ðặt biệt, thực hiện bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” gắn với áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Thường xuyên khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón theo từng thời điểm và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa…”.

Ðể hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, ông Nghiêm kiến nghị các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, chuyển giao việc ứng dụng các máy móc cơ giới và công nghệ để tận dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa làm phân bón hữu cơ bổ sung cho đất, hạn chế việc đốt rơm rạ. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thực hiện chuyển đổi từ sản xuất lúa liên tục 3 vụ/năm sang các mô hình giãn vụ, luân canh lúa – màu, lúa – thủy sản để giảm áp lực khai thác dinh dưỡng, góp phần cải tạo đất.

Nguồn: Khánh Trung (baocantho.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *