Cá tra miền tây đang bị điêu đứng
Giá xuống thấp lại khó tiêu thụ do ảnh hưởng dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang tính đến chuyện thay thế con cá tra bằng loại khác phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngày cuối tuần, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, đi siêu thị mua thực phẩm. Người đàn ông này chọn mua cá lóc, giá 65.000 đồng/kg.
“Cá lóc nuôi nhưng giá rất tốt. Lúc trước, tôi sợ dịch bệnh cá lóc giảm 20.000 đồng/kg nhưng cuối cùng không giảm mà lại tăng. Còn cá tra đang khó tiêu thụ, nên 2 ngày nữa họp với lãnh đạo UBND tỉnh, tôi phải tính cho bà con nên nuôi loài cá nào cho có lãi và phù hợp chứ không nuôi cá tra mà treo hầm thì uổng”, ông Lâm nói với Zing.
Cá tra miền tây với con giống và thương phẩm cùng giảm
Trao đổi với Zing, chủ một doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra miền tây tại An Giang cho biết cá tra đang “khó bơi” từ khâu con giống cho đến thu hoạch và vận chuyển vào nhà máy chế biến thực phẩm. Hiện, cá giống có giá 19.000 – 20.000 đồng/kg (30 – 35 con), giảm 10.000 – 15.000 đồng so với lúc trước khi có dịch Covid-19.
“Thời điểm giá cá tra giống tốt nhất là 60.000 – 65.000 đồng/kg. Cá tra giống hiện nay không chỉ giảm giá mà còn khó bán vì người nuôi cá thương phẩm không thuê được ghe và tài công có đủ điều kiện di chuyển liên vùng do An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đang áp dụng Chỉ thị 16”, đại diện doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu chia sẻ.
Anh Châu Thành Long, 39 tuổi, nuôi cá tra ở cồn Long Giang, huyện Chợ Mới, An Giang, cho biết mỗi lần thả cá tra giống phải thuê nhân công 10-15 người để kéo cá từ hầm cá bột rồi gánh xuống ghe. Cá giống sau đó được chở về vùng nuôi phải có thêm 10-15 người gánh cá lên bờ để thả xuống ao.
Do phải qua nhiều khâu, thời gian từ khi bắt cá đến thả nuôi kéo dài từ 6 lên 18 giờ khiến chi phí nhân công và vận chuyển tăng cao. Không chỉ vậy, cá tra giống còn thiệt hại nhiều do vận chuyển lâu nên sau 2 tuần thả nuôi, lượng cá hao hụt 40-50%.
“Cá giống thả nuôi hao hụt lớn như vậy nên từ 20.000 đồng/kg đã đội giá lên 40.000 đồng/kg. Đó là chưa tính đến việc phải tốn tiền mua thuốc trị bệnh cho đàn cá yếu. Do khó tìm được lực lượng nhân công và vận chuyển khó nên chủ ao không dám mua để thả nuôi, còn chủ ao cá bột không bán được giống”, anh Long nói.
Đối với cá tra thương phẩm, do nhiều nhà máy đóng cửa hoặc giảm công nhân còn 30% (3 tại chỗ”) nên các doanh nghiệp tập trung thu hoạch cá tại vùng nuôi, hạn chế mua của nông dân bên ngoài. Vì vậy, giá cá tra thương phẩm hiện dao động chỉ 21.000 – 22.000 đồng/kg.
“Trước dịch Covid-19, giá cá tra 26.000 – 27.000 đồng/kg. Giá cá tra giảm và bán không được sẽ khiến người nuôi lỗ vì hệ số thức ăn của cá sẽ tăng 1,57-1,6 kg lên 1,9 kg cho mỗi kg cá thịt”, anh Long phân tích.
Cá tra miền tây đang lúng túng trong tổ chức thu hoạch
Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết địa phương này có diện tích nuôi cá tra trên 1.230 ha, đã thả nuôi 1.091 ha. Đã có 814 ha cá tra thu hoạch với sản lượng 270.181 tấn, bằng 99,8% so cùng kỳ năm 2020.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm còn thu hoạch khoảng 157.000 tấn. Trong đó, khoảng 134.500 tấn do doanh nghiệp liên kết với hộ nuôi và 22.500 tấn từ hộ nuôi nhỏ lẻ.
“Giá cá tra thương phẩm loại kích cỡ 0,8-1,2 kg, dao động 21.000 – 22.000 đồng một kg, tiếp tục giảm 500 đồng so với tuần trước”, ông Dũng chia sẻ.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn đủ điều kiện hoạt động “3 tại chỗ” chủ yếu sản xuất từ hàng có sẵn trong kho và nguyên liệu của vùng nuôi của công ty. Nguyên nhân doanh nghiệp không mua cá từ cơ sở nuôi bên ngoài hoặc vùng nuôi ngoại tỉnh do giảm công suất.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng được cho là lúng túng trong khâu tổ chức thu hoạch vì đặc thù phải tập trung đông người trong khâu này. Công nhân phải di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác trong lúc thực hiện giãn cách xã hội là rào cản lớn khi cá tại các vùng nuôi đã đủ kích cỡ thu hoạch.
“Khó hiện nay là đội thu hoạch từ huyện này qua huyện kia không được nên thời gian hẹn mua cá kéo dài. Nông dân sợ kéo dài thời gian như thế này sẽ hao hụt nhiều nên họ không chịu bán”, ông Trần Anh Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, khó khăn nhất hiện nay là khâu thu hoạch cá vì nhân công chưa được tiêm vaccine Covid-19. Trước đây, cơ quan chức năng tập trung tiêm vaccine cho công nhân tại doanh nghiệp nhưng chưa lưu ý nhiều đến lực lượng thu hoạch cá trong khi đây là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra.
“Nếu anh muốn có nguyên liệu thì phải lo tuyến trước là thu hoạch, vận chuyển, thương lái vì họ thường xuyên đi lại dưới vùng nuôi. Có lực lượng này mới có nguyên liệu, không có những người này thì doanh nghiệp vô phương có nguyên liệu. Mà mấy người thu hoạch cá không tiêm vaccine thì vào xã, huyện người ta cũng ngại”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản An Giang nói.
Từ đó, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang cập nhật danh sách để báo cáo UBND tỉnh về lực lượng kéo lưới, gánh cá, chuyển cá từ hầm ra ghe… được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), các doanh nghiệp cá tra tại ĐBSCL hứng chịu những khó khăn khi dịch bệnh lan từ TP.HCM xuống các tỉnh miền Tây từ cuối tháng 7 đến nay.
Khảo sát của Vasep cho thấy có tới 50% công ty tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt kích cỡ do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Thời gian nuôi cá tra tại một số doanh nghiệp bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện ước đạt chỉ 10 – 20%.
Một số công ty ngưng hoạt động đang chuyển hàng từ kho dự trữ để trả dần đơn hàng cho đối tác. Tính đến nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho nên đã dừng hoàn toàn.
Nguồn: Theo Việt Tường (zing)
Quý bà con và bạn đọc có thể tham khảo thêm một số bản tin nông nghiệp mới nhất TẠI ĐÂY hoặc CLIK vào đây để tìm hiểu thêm nhiều bài cẩm nang nông nghiệp hữu ích