Nhãn Sông Mã tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường các nước EU và Vương quốc Anh dù tình hình dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp.
Những ngày này, đến huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, từ các xã dọc Quốc lộ 4G đến vùng cao biên giới, đâu đâu cũng không khí nhộn nhịp, tất bật của người nông dân đang thu hoạch nhãn.
Đặc biệt, năm nay, quả nhãn tươi Sông Mã được xuất khẩu sang các thị trường EU và Vương quốc Anh, ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Anh Vì Văn Tuấn, bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, chia sẻ, năm nay quả nhãn tươi trên địa bàn huyện Sông Mã được xuất khẩu ra nước ngoài nên gia đình anh rất phấn khởi.
Nhãn của gia đình được thương lái đến tận vườn thu mua. So với một số loại cây trồng khác, nhãn cho sản lượng tốt, giá cả ổn định, nên người trồng rất yên tâm. Do đó, gia đình anh sẽ đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng nhãn.
Năm nay, với trên 200 gốc nhãn ghép cho thu hoạch hơn 10 tấn, quả to, chín đều, năng suất cao hơn năm trước nên gia đình anh rất phấn khởi. Hơn nữa những năm gần đây, nhãn của gia đình anh đều được thương lái thu mua với mức giá ổn định từ 15-23.000 đồng/kg.
Nhãn Sông Mã có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Cùng với xuất bán trực tiếp quả nhãn tươi, nhãn còn được chế biến thành long nhãn, được người tiêu dùng ưa chuộng, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nhãn Sông Mã.
Anh Nguyễn Quang Huy, thành viên Hợp tác xã Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, cho hay, để quả nhãn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, Hợp tác xã Hoa Mười đã liên kết với Công ty phân bón Fusa và làm theo đúng quy trình, tiêu chuẩn mà công ty đề ra.
Do đó, năm nay, nhãn của Hợp tác xã Hoa Mười đã được xuất khẩu sang nước ngoài, như Australia, Hà Lan. Hợp tác xã đang phấn đấu để xuất khẩu sang nhiều nước nữa để đảm bảo được đầu ra cho hộ trồng nhãn, thành phẩm từ quả nhãn sẽ có giá trị cao hơn.
Cũng theo anh Nguyễn Quang Huy, muốn quả nhãn có giá trị cao phải chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn, đảm bảo mẫu mã, sản lượng và chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu. Hợp tác xã Hoa Mười sẽ chủ động trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các thành viên của Hợp tác xã Hoa Mười đã xây dựng một số lò sấy, kho lạnh, lò làm long nhãn sạch để có thể tự tiêu thụ, chế biến ở trong hợp tác xã, nhờ vậy sẽ chủ động được đầu vào, ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của sản phẩm long nhãn sạch.
Là một trong những địa phương có vựa nhãn lớn, huyện Sông Mã có hơn 7.200ha trồng nhãn; trong đó, có gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh và tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Mường Lầm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho biết, việc xuất khẩu thành công nhãn Sông Mã sang thị trường EU và Vương quốc Anh, góp phần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, đặc biệt là đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu trong thời gian tới.
Với việc sản xuất quả nhãn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và hướng hữu cơ, huyện vùng cao, biên giới Sông Mã đang từng bước khẳng định thương hiệu “Nhãn Sông Mã.”
Dù dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp, song sản phẩm nhãn Sông Mã tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường các nước EU và Vương quốc Anh, sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất tại địa phương, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người trồng nhãn.
Nguồn: Theo Quang Quyết (TTXVN/Vietnam+)
Để tham khảo thêm nhiều bài tin tức nông nghiệp hay, mời quý bạn đọc CLIK TẠI ĐÂY.